Xe Bán Tải
25/10/2015
Trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC News, đại sứ Iraq tại Mỹ Lukman Faily cho biết những năm gần đây, khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lớn mạnh tại Iraq và Syria, nhóm này đã mua hàng trăm xe bán tải mới của Toyota.
“Đây là một câu hỏi chúng tôi vẫn đang đặt ra với các nước láng giềng”, Faily cho biết. “Làm sao lại có những chiếc xe bán tải mới 100%...những chiếc xe dẫn động 4 bánh, hàng trăm chiếc – chúng từ đâu ra?”
Tuy vậy IS không phải là nhóm khủng bố đầu tiên ưa chuộng những chiếc xe bán tải của hãng ô tô Nhật.
Một bài viết trên tờ Newsweek năm 2010 từng chỉ ra rằng, mẫu xe bán tải Toyota Hilux đã trở thành một phương tiện đặc trưng của nhiều phong trào cực đoan trong vài thập niên gần đây.
“Toyota Hilux có mặt khắp nơi”, Andrew Exum, cựu quân nhân biệt kích Mỹ, người hiện là phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về chính sách Trung Đông cho biết. “Phương tiện này cũng giống như những khẩu AK-47. Nó xuất hiện nhan nhản trong các cuộc chiến của phiến quân. Và sự thực là gần đây, nó xuất hiện cả trong các cuộc chiến chống nổi dậy. Nó khiến những chiếc Humvee thất thế”.
Hilux rõ ràng là mẫu xe bán tải bền bỉ, đã chứng tỏ sự hữu dụng đối với các lực lượng vũ trang được trang bị nhẹ của các nhóm khủng bố.
Chiếc xe “tốc độ, dễ lái và là đầy uy lực khi được gắn một khẩu súng máy 50mm, có thể dễ dàng xuyên qua áo giáp của binh sỹ, và bắn thủng các loại xe chống đạn hạng nhẹ”, Alastair Finlan, nhà nghiên cứu chiến lược tại đại học Aberystwyth, Anh khẳng định với tờ Newsweek.
“Thật lạ kỳ, khi rà soát loạt hình ảnh chụp trong 4 thập niên gần đây về các cuộc chiến của quân nổi dậy và du kích khắp thế giới - hình ảnh chiếc Hilux đầu tiên xuất hiện từ cuối những năm 1960 – cho thấy ảnh hưởng rộng lớn của Toyota”, cây bút Somaiya khẳng định trên tờNewsweek.
“Cướp biển Somalia phô trương trên đường phố Mogadishu với những khẩu súng chĩa ra từ những chiếc Hilux”, một bài viết trên tờ New York Times năm 2009 khẳng định, và cho biết Hilux là “phương tiện được chọn” của những tên cướp biển.
“Một nhóm chừng 20 chiến binh Sudan rách rưới giơ cao tay trên lưng một chiếc Hilux năm 2004. Các chiến binh Pakistan lái xe qua đám đông, súng giơ cao năm 2000. Vẫn chưa hết. Nicaragua, Ethiopia, Rwanda, Liberia, cộng hòa dân chủ Congo, Lebanon, Yemen, Iraq và thậm chí cả đặc nhiệm Mỹ cũng lái Toyota Tacomas (phiên bản Hilux dành cho thị trường Mỹ) trong một số cuộc điều binh”.
Những chiếc xe bán tải đó “đã trở thành điểm đặc trưng trong các clip về chiến dịch của IS tại Iraq, Syria và Libya, với thùng xe chất đầy những vũ khí hạng nặng và nêm chặt các phần tử khủng bố”, ABC News khẳng định.
Các tay súng IS hiện vẫn sử dụng cả những mẫu Hilux phiên bản mới lẫn cũ trong các video tuyên truyền của nhóm này, cùng với xe Toyota Land Cruisers.
Ed Lewis, giám đốc công chúng và truyền thông của Toyota tại Washington cho biết, hãng xe này đã “báo cáo Bộ tài chính Mỹ về chuỗi cung ứng của Toyota tại Trung Đông, cũng như quy trình Toyota áp dụng để bảo vệ sự liêm chính của chuỗi cung ứng”, và rằng công ty có một “chính sách nghiêm ngặt để tránh bán phương tiện cho những người mua có thể sử dụng hoặc hiệu chỉnh cho các hoạt động bán quân sự hoặc khủng bố”.
Một vài trong số những chiếc Toyota đang thuộc sở hữu của IS đã được đổi tên với phù hiệu của “nhà nước Hồi giáo”.
Xe Hilux được các tay súng IS ưa chuộng đến độ chúng trở thành “hầu như một phần của tiếng tăm IS”, Mark Wallace, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, giám đốc điều hành Dự án chống chủ nghĩa cực đoan, khẳng định với kênh ABC News.
“Hầu như mọi video của IS đều có một đoàn xe Toyota và điều đó khiến chúng tôi rất lo ngại”, Wallace khẳng định.
Vì sao những kẻ khủng bố tại Trung Đông lại có thể mua được nhiều xe bán tải Toyota mới như vậy? Công ty này cho biết họ không thể theo dõi các phương tiện của mình.
Chuẩn tướng Saad Maan, người phát ngôn quân đội Iraq thì nhận định, những chiếc Hilux có khả năng đến từ những người trung gian, tuồn lậu ô tô vào Iraq.